Du khách trải nghiệm đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm

Lodo, 62 tuổi, hôm 6/8 đã có buổi sáng trải nghiệm đan võng cùng với nghệ nhân ở Cù Lao Chàm. Ông bất ngờ về độ bền chắc và sự khéo léo, kỳ công của nghệ nhân làm ra nó. Lodo đã mua một chiếc võng về làm kỷ niệm trong chuyến du lịch Việt Nam lần này. “Tôi nghĩ đây là một vật liệu xanh giúp bảo vệ môi trường”, du khách đến từ Pháp nói.

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://i1-dulich.vnecdn.net/2024/08/09/bf5184b6a7f203ac5ae3-9198-1723206899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gSFy083STQIimWxbgoWU1A 1x, https://i1-dulich.vnecdn.net/2024/08/09/bf5184b6a7f203ac5ae3-9198-1723206899.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=upWN4-FwlEYPceD5Na24yA 1.5x, https://i1-dulich.vnecdn.net/2024/08/09/bf5184b6a7f203ac5ae3-9198-1723206899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=2&fit=crop&s=BnZPPU0mSi7R1kr243vfDg 2x” _close=”0″]

Lodo trải nghiệm đan võng ngô đồng cùng bà Ngô Thị Lê. Ảnh: Trần Trọng Trung

Theo ông Lê Vĩnh Thuận, Phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong dịp Festival “Cù Lao Chàm – mùa ngô đồng đỏ” năm 2024 diễn ra từ ngày 5 đến 11/8, lượng du khách đổ về Cù Lao Chàm tham gia lễ hội “rất đông”. Đến đây, du khách được tìm hiểu về nguồn gốc và tham gia cùng với nghệ nhân đan loại võng truyền thống của đảo.

Theo giới thiệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, sợi võng được làm từ các mảng vỏ cây ngô đồng. Sau khi được tách ra từ thân cây, vỏ sẽ được gom lại thành từng bó rồi ngâm nước ở các khe, suối trên đảo như khe Ruộng Chùa, khe Ông Thơ, khe Xóm Mới. Sau một tháng, người thợ đem vỏ về tách chọn lớp bên trong có màu trắng đục, tước từng sợi nhỏ, phơi khô cho đến khi có màu trắng tinh mới có thể bắt tay vào đan võng.

Công đoạn tước đòi hỏi sự tập trung cao của người thợ vì “sợi càng mỏng đan võng càng chặt”, nghệ nhân đan võng Ngô Thị Lê, 70 tuổi, cho biết.

Vào khoảng tháng 7, người dân trên đảo đi chọn vỏ những cây ngô đồng làm nguyên liệu đan võng, khi cây ra hoa, rụng hết lá, vỏ đủ khô để thu hoạch. Cây ngô đồng dùng làm võng phải có dáng thẳng mới cho ra sợi suôn, mềm, dai và chịu lực tốt. Bà Lê cho biết khi đã chọn được cây, người dân khai thác bằng cách chỉ chặt ngang thân để cây còn nảy chồi, phát triển sinh sống trở lại.

Bà Huỳnh Thị Út, 56 tuổi, cùng với bà Lê là hai trong số ít nghệ nhân ở Cù Lao Chàm duy trì nghề đan võng ngô đồng cho biết loại võng này được người xã đảo sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất.

“Để làm ra chiếc võng đẹp, ngoài tước sợi mỏng còn yêu cầu thắt nút các mối mắt võng đều”, bà Út nói.

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://thuexedulichhoangthang.com/wp-content/uploads/2024/08/z5716695932667-893a56b9d3a8af4-3576-1622-1723258524-1.jpg 1x, https://i1-dulich.vnecdn.net/2024/08/10/z5716695932667-893a56b9d3a8af4-3576-1622-1723258524.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FxO91OJmMCWpau8VD_2cmA 1.5x, https://i1-dulich.vnecdn.net/2024/08/10/z5716695932667-893a56b9d3a8af4-3576-1622-1723258524.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=2&fit=crop&s=akKtodVVJ6UygX9Ukqc9mg 2x” _close=”0″]

Du khách được nghệ nhân hướng dẫn tước sợi, đan mắt võng ngô đồng hôm 6/8. Ảnh: Trần Trọng Trung

Lodo nói những nghệ nhân đan võng đã giúp ông phân biệt võng tư có bốn dây đan nối nhau và võng sáu có sáu dây dày hơn đan thành hình tứ giác. Võng ngô đồng dài 2,6 m, đan thủ công hơn một tháng, độ bền của võng có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm, có giá từ 5 đến 10 triệu đồng. “Mức giá này xứng đáng với công sức những người thợ bỏ ra”, Lodo cho hay.

Chị Hà Nhi, 45 tuổi, sống tại Hà Nội, cũng ấn tượng với loại võng không làm từ sợi công nghiệp mà hoàn toàn từ vỏ cây. “Những sản phẩm thủ công truyền thống thẩm mỹ cao như thế này là điểm nhấn cho du khách khi du lịch trên đảo”, chị Nhi nói.

Ngô đồng gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân Cù Lao Chàm từ hơn 300 năm trước, theo Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Trải qua nhiều đời gìn giữ và nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghề đan võng ngô đồng ở địa phương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hôm 6/8.

Tuấn Anh

Source